Hơn 1 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp, vì thế đây là một bệnh khá phổ biến.
.
Hãy cùng bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh này thông qua việc định nghĩa nó nhé! Thông thường, huyết áp được thể hiện bởi hai con số: số ở trên là huyết áp tâm thu, là huyết áp động mạch khi tim đang co bóp; và số ở dưới là huyết áp tâm trương, là huyết áp động mạch khi tim đang thư giãn hoặc đang được đổ đầy.
Đa phần, huyết áp được đo ở động mạch cánh tay ở phần cánh tay, bởi vì nếu áp lực ở đây cao thì áp lực ở những động mạch khác có thể cũng sẽ cao.
Các hướng dẫn phân loại huyết áp gần đây đã có những thay đổi để phản ánh nhiều bằng chứng cho thấy thậm chí tăng huyết áp mức độ vừa có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Huyết áp tâm thu bình thường được định nghĩa là dưới 120 mmHg, và huyết áp tâm trương bình thường là dưới 80 mmHg.
Huyết áp tâm thu được xem là tăng khi ở trong khoảng từ 120 đến 129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg.
Tăng huyết áp giai đoạn 1 là khi huyết áp tâm thu từ 130 đến 139 mmHg và huyết áp tâm trương từ 80 đến 89 mmHg.
Tăng huyết áp giai đoạn 2 được xác định khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.
Thông thường, huyết áp tâm thu và tâm trương đều có xu hướng tăng hoặc giảm cùng nhau, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Đôi khi, bạn có thể bị tăng huyết áp tâm thu hoặc tâm trương, khi trong hai giá trị có một trị số bình thường còn trị số kia thực sự cao.
Lúc bấy giờ được gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn độc hoặc tăng huyết áp tâm trương đơn độc.
Tăng huyết áp là một vấn đề nghiêm trọng đối với các mạch máu vì nó làm hư hại các tế bào nội mô lót bên trong lòng mạch.
Tăng huyết áp cũng giống như tình trạng vòi nước để tưới cây trong vườn luôn chịu áp lực cao, về lâu dài, các mạch máu có thể xuất hiện những vết nứt nhỏ hay các vết rách, mà từ đó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, như nhồi máu cơ tim, phình động mạch và đột quỵ.
Có khoảng 90% trường hợp tăng huyết áp mà không có nguyên nhân rõ ràng, chúng ta gọi đây là tăng huyết áp nguyên phát, hay tăng huyết áp vô căn.
Nói cách khác, theo thời gian, áp lực trong các động mạch bắt đầu tăng lên.
Có hàng loạt các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tăng huyết áp nguyên phát, bao gồm: tuổi già, béo phì, chế độ ăn nhiều muối và lối sống ít vận động.
Ngoại trừ tuổi tác, tất cả những yếu tố còn lại đều có thể được cải thiện bằng cách thay đổi lối sống, và điều này có thể giúp giảm tình trạng huyết áp cao.
Tuy nhiên, khoảng 10% bệnh nhân tăng huyết áp có thể xác định được một bệnh lý nền cụ thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp; và chúng ta gọi đây là tăng huyết áp thứ phát.
Ví dụ, bất cứ nguyên nhân nào làm hạn chế lưu lượng máu đến thận thì cũng có thể gây tăng huyết áp, chẳng hạn như là xơ vữa động mạch, viêm mạch máu hoặc bóc tách động mạch chủ.
Điều này là do thận đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều hòa huyết áp.
Khi lượng máu chảy đến thận giảm, thận sẽ tiết ra hormone renin, có tác dụng giúp thận giữ nhiều nước hơn.
Lượng nước này góp phần làm tăng thể tích máu trong các động mạch, khiến chúng đầy hơn, dẫn đến huyết áp tăng cao.
Một số bệnh khác cũng có thể gây tăng huyết áp thứ phát.
Chẳng hạn như bệnh loạn sản sợi cơ – thường phổ biến ở những phụ nữ trẻ, có thể làm dày thành các động mạch vừa và lớn.
Nếu động mạch thận cũng bị ảnh hưởng và lượng máu đến thận giảm đi, sẽ dẫn đến kích thích tiết nhiều renin hơn.
Một ví dụ khác là cơ thể có một khối u sản xuất dư thừa aldosterone, và cũng giống như renin, hormone này cũng gây giữ nước trong lòng mạch.
Cuối cùng, nếu huyết áp đột ngột tăng cao trong một thời gian ngắn, nó được gọi là cơn tăng huyết áp, với huyết áp tâm thu lớn hơn 180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 120 mmHg.
Cơn tăng huyết áp có thể được chia thành tăng huyết áp khẩn cấp và tăng huyết áp cấp cứu.
Với tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp, vẫn chưa có tổn thương ở các cơ quan đích như não, thận, tim và phổi.
Còn trường hợp tăng huyết áp cấp cứu, có những biểu hiện cho thấy có sự tổn thương các cơ quan đích.
Về mặt triệu chứng, thông thường tăng huyết áp nguyên phát không đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào, đó là lý do tại sao đôi khi nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Tăng huyết áp thứ phát có thể đi kèm một loạt các triệu chứng liên quan đến nguyên nhân sinh bệnh.
Và cuối cùng, tăng huyết áp cấp cứu có thể kèm theo các triệu chứng như lú lẫn, buồn ngủ, đau ngực và khó thở.
.
Lựa chọn đầu tiên trong điều trị tăng huyết áp là thay đổi lối sống, như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và các biện pháp giảm căng thẳng.
Ngoài ra, có nhiều loại thuốc hạ huyết áp có thể được dùng trong một số trường hợp.
Được rồi, cùng tóm tắt lại nào! Tăng huyết áp, hoặc huyết áp cao, ảnh hưởng đến hơn một tỷ người trên toàn thế giới và theo thời gian, nó là yếu tố nguy cơ chính cho bệnh tim và đột quỵ.
Tăng huyết áp giai đoạn 1 được xác định khi trị số huyết áp tâm thu từ 130 đến 139 mmHg và huyết áp tâm trương từ 80 đến 89 mmHg, trong khi tăng huyết áp giai đoạn 2 được xác định khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg Tăng huyết áp thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, và điều trị đầu tiên là thay đổi lối sống.
Video thực hiện bởi WOWMed.
.
Discussion about this post