Glaucoma là một nhóm các bệnh về mắt do tăng nhãn áp, tức tăng áp lực bên trong mắt, dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác và, nếu không điều trị, có thể dẫn tới mù lòa Chúng ta cùng quan sát mô hình cắt dọc của mắt, có thể chia mô hình này thành các buồng khác nhau.
Tiền phòng là vùng từ giác mạc đến mống mắt; hậu phòng là khoang hẹp giữa mống mắt và thấu kính, và đến buồng lớn hơn là pha lê thể chiếm khoảng từ sau thấu kính đến mặt sau của mắt.
Để tránh nhầm lẫn, cần nhớ rằng cả tiền phòng và hậu phòng đều thuộc phần trước của mắt, trong khi đó pha lê thể thuộc phần sau của mắt.
Tất cả các buồng trên đều chứa dịch.
Các buồng ở phần trước của mắt chứa dịch gọi là thuỷ dịch và phần sau của mắt chứa dịch kính.
Thuỷ dịch là chất dịch lỏng và trong suốt được tiết ra bởi biểu mô thể mi.
Ngoài vai trò tiết thuỷ dịch và cung cấp dưỡng chất cho giác mạc và thấu kính thể mi còn có vai trò nâng đỡ về mặt cấu trúc và giữ hình dạng của mắt.
Thuỷ dịch được tiết vào hậu phòng, sau đó đi qua một khoảng hẹp giữa mặt trước thấu kính và mặt sau mống mắt, qua đồng tử, và vào tiền phòng.
Tại đây, thuỷ dịch ra khỏi mắt qua lưới bè, là một loại mô xốp có vai trò như một đường thoát dịch, cho phép dịch chảy xuống một ống tròn gọi là ống Schlemm, và sau đó vào tĩnh mạch nước, là một phần của hệ tĩnh mạch thượng củng mạc, một hệ tĩnh mạch bao quanh củng mạc mắt.
Trong bệnh glaucoma, một phần của quá trình thoát thuỷ dịch trở nên tắc nghẽn bán phần hay hoàn toàn, do đó dịch không thể thoát dễ dàng ra khỏi mắt.
Điều này dẫn đến sự tăng áp lực nhanh chóng trong khoảng không cố định của tiền phòng, gây ra tăng nhãn áp, được định nghĩa bởi áp lực lớn hơn 21 mm thuỷ ngân hay 2.
8 kiloPascal.
Áp lực cao ảnh hưởng tất cả các cấu trúc của mắt, bao gồm thần kinh thị giác, là dây thần kinh đưa tín hiệu thị giác từ mắt đi đến não.
Điều này có nghĩa là qua thời gian, khi thần kinh thị bị tổn thương, glaucoma có thể dẫn đến mất thị giác.
Glaucoma có một số dạng như sau: Đầu tiên là glaucoma góc mở, cũng là dạng phổ biến nhất, và sở dĩ có tên gọi trên là do góc giữa giác mạc và mống mắt là góc mở.
Trong dạng này, hệ thống thoát dịch dần dần bị tắc nghẽn theo thời gian, dẫn đến sự tăng dần áp lực lên thần kinh thị giác.
Sự tăng áp này ban đầu gây ra sự thoái hoá phần rìa ngoài của dây thần kinh, dẫn đến giảm thị lực vùng ngoại biên.
Khi áp lực dần tăng cao hơn, tổn thương thần kinh thị giác diễn tiến, cuối cùng dẫn đến mất thị lực vùng trung tâm.
Một dạng glaucoma khác là glaucoma góc đóng, hay còn gọi là glaucoma đóng góc, glaucoma góc hẹp, do góc giữa giác mạc và mống mắt quá nhỏ, dẫn đến đường thoát của thuỷ dịch quá hẹp và đây là kết quả của việc thấu kính bị ép vào mống mắt.
Tình trạng trên dẫn đến sự tắc nghẽn đường thoát thuỷ dịch, nhưng trường hợp này sự tăng áp lực trong mắt diễn tiến nhanh chóng hơn, có thể gây ra các triệu chứng đột ngột như: đau mắt nặng nề, đỏ mắt, nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn, và nhìn loá.
Cuối cùng là dạng glaucoma áp lực bình thường hay glaucoma áp lực thấp, xảy ra khi áp lực trong mắt vẫn bình thường.
Nguyên nhân của glaucoma áp lực bình thường vẫn chưa được hiểu rõ, mặc dù có ý kiến cho rằng tổn thương thần kinh thị giác là do giảm tưới máu, và cũng có thể là do yếu tố di truyền gây nên sự nhạy cảm quá mức đối với áp lực trong mắt dù áp lực vẫn ở mức bình thường.
Để chẩn đoán glaucoma, đo nhãn áp có thể được dùng để đánh giá sự tăng nhãn áp.
Có thể kèm theo kiểm tra thị trường và tìm tổn thương thần kinh thị giác thông qua các xét nghiệm hình ảnh học hay quan sát trực tiếp.
Cụ thể, áp lực tác động trên thần kinh thị giác có thể gây mỏng lớp rìa ngoài của dây thần kinh, làm cho dây thần kinh có hình dạng lõm như cốc nước, nên tình trạng này được gọi là “cupping” trong tiếng Anh, và thường thấy được ở các bệnh nhân glaucoma.
Mặc dù glaucoma không thể được chữa khỏi nhưng điều trị có thể làm chậm quá trình diễn tiến bệnh.
Nếu nguyên nhân là do tăng nhãn áp thì có thể điều trị bằng các loại thuốc có tác dụng giảm áp lực trong mắt.
Có nhiều cách để làm giảm áp lực trong mắt.
Đầu tiên là làm giảm sản xuất thuỷ dịch, với các loại thuốc như thuốc đối vận thụ thể beta giao cảm và thuốc ức chế carbonic anhydrase.
Cũng có thể làm tăng sự thoát thuỷ dịch bằng cách dùng các analog của prostaglandin.
Hoặc, cuối cùng, có một số loại thuốc có thể vừa làm giảm sản xuất và tăng thoát thuỷ dịch, như thuốc đồng vận alpha giao cảm.
Ngoài thuốc, điều trị bằng laser cũng có thể được áp dụng.
Ví dụ phẫu thuật tạo hình vùng bè là phương pháp điều trị dùng tia laser để mở rộng lưới bè và phương pháp này có thể điều trị glaucoma góc mở.
Phẫu thuật cắt mống mắt là phương pháp dùng laser để tạo một lỗ nhỏ trong mống mắt, dùng để điều trị glaucoma góc đóng.
Ngoài ra có một số phẫu thuật laser khác như phẫu thuật huỷ các tế bào tiết dịch, nhằm làm giảm sản xuất dịch, và trong các ca bệnh nặng, có thể dùng để tạo một lỗ thoát mới để thoát thuỷ dịch.
Và cuối cùng, các phương pháp cấy ống thông dẫn dịch ra khỏi tiền phòng mà không cần qua lưới bè và hệ thống ống dẫn.
Tóm tắt nào: glaucoma là một bệnh của mắt xảy ra khi sự tích tụ thuỷ dịch gây tăng áp lực trong mắt và điều này làm tổn thương thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mù loà.
Video thực hiện bởi WOWMed.
.
Discussion about this post